image banner
Năm 2023 đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số
Đình Kim Sơn - Di tích lịch sử Cách mạng cấp quốc gia
Lượt xem: 128

Đình Kim Sơn thuộc xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng là di tích lịch sử cách mạng đã được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 1986. Nơi đây ghi dấu sự thành lập Uỷ ban Dân tộc giải phóng của Việt Minh - Tổ chức chính quyền cách mạng đầu tiên của vùng Duyên Hải Bắc Bộ xưa.Theo các bậc cao niên trong làng, Nam Hải Đại Vương là một vị thần có công giúp dân Kim Sơn khai hoang lấn biển, lập nên làng xóm từ những thế kỷ trước. Đặc biệt, còn dạy dân nghề làm muối. Do vậy khi ông mất, nhân dân địa phương đã lập đình thờ, suy tôn làm thành hoàng làng với tư cách là vị tổ nghề diêm (nghề làm muối), ngày chạp thần là ngày 18 tháng Chạp hằng năm.

Đình Kim Sơn là di tích lịch sử gắn liền với những hoạt động cách mạng trong hai cuộc kháng chiến. Tại đây, từng diễn ra các cuộc mít tinh, biểu tình nổi tiếng kêu gọi quần chúng nổi dậy chống Nhật, đốt phá kho thóc chia cho dân nghèo. Năm 1944, phòng trào Việt Minh ở nơi đây phát triển mạnh. Những cuộc biểu tình thị uy của nhân dân Kim Sơn khiến ngụy quyền trong vùng rất hoang mang, dao động. Chớp thời cơ đó, lực lượng cách mạng trong khu vực phủ Kiến Thụy và một số nơi khác đã phát động nhân dân địa phương đấu tranh xóa bỏ bộ máy ngụy quyền, thiết lập chính quyền cách mạng trước ngày Tổng khởi nghĩa, tiêu biểu là ở Kim Sơn. Tại đình Kim Sơn ngày 12/7/1945, Việt Minh tổ chức mít tinh, thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng. Đây là tổ chức chính quyền cách mạng đầu tiên của tỉnh Kiến An và vùng Duyên Hải Bắc Bộ.

Năm 1945, Uỷ ban cách mạng Kim Sơn cùng các lực lượng tự vệ đến trường học xã Cổ Trai trấn áp cuộc họp của nhóm Thanh niên Đại Việt. Viên tri phủ và bọn phản cách mạng phải đầu hàng và xin tha tội. Lá cờ Quẻ Ly của chính quyền thân Nhật bị hạ xuống. Cuộc họp của chúng đã trở thành diễn đàn tuyên truyền cách mạng, vạch mặt bọn bán nước. Chính quyền cách mạng Kim Sơn ra đời làm cho giặc Nhật lo ngại một cuộc bùng nổ dây chuyền không thể ngăn được. Do vậy, bọn chúng ráo riết chuẩn bị đàn áp. Nắm bắt được tình hình, các đồng chí lãnh đạo tổ chức tự vệ và nhân dân tích cực rào làng, luyện tập chiến đấu, tăng cường canh gác, phòng gian, củng cố căn cứ, đề cao tinh thần cảnh giác. Tại phía Bắc làng lập một công sự lớn. Lực lượng tự vệ chuẩn bị vũ khí thô sơ như gạch đá, lọ, búa đanh, giáo mác, mã tấu, súng kíp, lao tre vót nhọn, bẫy tro trộn bột ớt... Tất cả những gì có thể dùng cho tự vệ đều được sử dụng. Các hướng vào làng đều bố trí sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt địch. 6h00’ sáng ngày 04/8/1945, giặc Nhật gồm 50 tên lính bảo an do 2 tên sĩ quan Nhật chỉ huy đi 2 xe Ca-mi-nhông từ Kiến An đến Kim Sơn. Phát hiện địch đến đình Ngọc, tiếng thanh la, mõ, tù và rúc liên hồi, rộn rã khắp làng, thúc giục ý chí chiến đấu của mọi người và đó cũng là hiệu báo cho các lực lượng tự vệ các nơi về ứng cứu. Các lực lượng tự vệ trong vùng như Đoạn Xá, Lão Phong, Kính Trực, Sâm Linh, Cốc Liễn và từ Vinh Quang (Tiên Lãng) cũng hăng hái tiến về Kim Sơn góp sức chiến đấu chống phát xít Nhật, bảo vệ chính quyền cách mạng. Bằng ý chí kiên cường bất khuất, quân dân Kim Sơn đã chiến đấu quả cảm, suốt 5 giờ liền, buộc giặc phải rút lui. Sau cuộc chống càn vang dội ấy, nhân dân và tự vệ Kim Sơn lại nhanh chóng kéo về giành chính quyền ở phủ lị Kiến Thuỵ và tỉnh Kiến An, cùng cả nước làm cuộc cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Ngày nay, đình Kim Sơn không chỉ là một chứng nhân lịch sử chứng kiến những mốc son trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, mà còn trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của người dân xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy và thành phố Hải Phòng.

btvxatantrao
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Tin mới